Tản mạn trên Net
Với tác phẩm lớn cuối đời của mình (như cách nói của chính ông) là Minh Hoạ Kiều, nhạc sĩ Phạm Duy và cộng sự tích cực nhất của ông, cũng là con trai ông - nhạc sĩ hoà âm Duy Cường, đã tạm hoàn tất quá trình thử nghiệm để áp dụng lối sáng tác và hoà âm đa điệu (polyphonic) cho những tác phẩm nhạc Việt của mình. Những khúc hát của Minh Hoạ Kiều đã không bị lệ thuộc vào một tuyến giai điệu mà đan xen tầng tầng lớp lớp những sound samples (Duy Cường nổi tiếng về khả năng làm nhạc bằng sequencer dựa vào kho mẫu âm đồ sộ của mình) và giọng hát dựa trên nền tảng một hoà âm dày, đậm màu sắc new age.
Cách viết nhạc của Phạm Duy và lối hoà âm của Duy Cường cho Minh Hoạ Kiều đã tách tác phẩm này ra một vị trí riêng biệt với nhiều sáng tác khác của Phạm Duy theo lối "cũ". Minh Hoạ Kiều, nhìn ở một góc nào đó, chính là một thứ world music phong phú màu sắc mà người nghe Việt sẽ thấy phần đóng góp âm nhạc của Phạm Duy bên cạnh thơ Nguyễn Du, còn người nghe ngoại quốc, nếu không biết gì về Truyện Kiều có thể coi như đây là một tác phẩm hoà tấu new age đầy bí ẩn cần được khám phá.
Nguồn: http://www.langviet.net/forums/lofiversion/index.php/t40133.html
...
- Nhạc phim do nhạc sĩ Duy Cường phụ trách. Anh quen rất nhiều nhạc sĩ, nhưng tại sao lại chọn Duy Cường?
- Nhạc phim (score) vẫn còn khá mới mẻ với các nhạc sĩ Việt Nam. Đa số phần âm nhạc của các phim Việt Nam mới chỉ chú trọng đến ca khúc minh họa cho phim, chưa có nhạc nền. Ban đầu, tôi định mời nhạc sĩ Tôn Thất Tiết (Việt kiều Pháp, từng viết nhạc cho các phim Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, Mùa len trâu...). Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết có sở trường về đàn dây, trong khi ý đồ về âm nhạc của Khách sạn không đèn cũng sử dụng đàn dây làm chủ đạo. Nhưng cuối cùng vì nhiều lý do, trong đó có lý do về kinh phí, tôi đã không thể mời được nhạc sĩ Tôn Thất Tiết. Vừa lúc đó, tôi được biết nhạc sĩ Duy Cường vừa về định cư ở Việt Nam. Thông qua một người bạn, tôi đến ướm hỏi và được anh Cường nhận lời liền.
- Nhưng nhạc sĩ Duy Cường cũng là Việt kiều nên giá cát-xê chắc cũng rất đắt. Anh phải làm thế nào?
- Anh Cường đã nói thẳng là sẽ “liệu cơm gắp mắm”, làm sao để nhà sản xuất có thể chấp nhận được. Do vậy, sẽ không có chuyện “giá Việt kiều” ở đây.
Nguồn: http://www.yxine.com/?gf=tt&view=1&news_id=1479
Tôi ước mong tape nhạc ''Người tình già trên đầu non'' của Phạm Duy sẽ được đón tiếp một cách nồng hậu để chúng ta còn hy vọng là những tác phẩm giá trị thực sự vẫn còn có chỗ đứng trong tâm hồn của những người tỵ nạn Việt Nam chúng ta.
Với hòa âm tuyệt vời của Duy Cường, cùng tiếng hát thâm trầm của Duy Quang và giọng hát hết sức mượt mà của Thái Hiền, băng nhạc NTGTĐN quả là một sự hoàn hảo trên nhiều phương diện, nó thể hiện được cái tính đồng nhất trong toàn bộ của một tác phẩm, sự gắn bó tự nhiên và hoàn toàn giữa nội dung của ca khúc với nghệ thuật sử dụng âm sắc đúng lúc và thông minh của Duy Cường và những tiếng hát không thể thay thế được của Duy Quang và Thái Hiền, công trình nghệ thuật nầy thật xứng đáng cho mỗi một người yêu âm nhạc Việt Nam nâng niu, gìn giữ. Chúng ta đã đánh mất nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta, nhưng có những điều nếu mất đi thì chúng ta sẽ mất một cơ hội lớn để thăng hoa chính đời sống của mình, cuốn băng nhạc 'Người Tình Già Trên Đầu Non' là một trong những điều không thể nào mất được đó.
Nhạc sỹ Lê Uyên Phương
Về phần nhạc thuật, trong công việc đưa nhạc Việt Nam từ hình thức đơn điệu (monophonic) lên hình thức đa điệu (polyphonic) mà chúng tôi thử thách trong mười năm qua, bây giờ việc này mới tạm được coi như khá ổn thỏa. Đó là nhờ ở công phu của Duy Cường, trong gần hai năm, đã đi đi về về Việt Nam/USA... để lấy mẫu (sampling) hầu hết các âm thanh của nhạc cụ dân tộc rồi áp dụng vào nhạc phẩm Minh Họa Kiều này. Duy Cường còn thu thanh vài giọng ngâm rất cổ để cho vào tác phẩm cùng với những âm sắc của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, trống phách... hoà vào âm thanh của các nhạc cụ Tây Phương. Làm công việc giao hưởng giữa lối ngâm xưa và lối hát bây giờ, giữa nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ tân thời, nhất là với khả năng phi thưòng của computer chúng tôi mời người nghe đi ngược dĩ vãng 200 năm rồi đi tới tương lai cũng 200 năm đang tới...
Nhạc sỹ Phạm Duy
... Hoctro đi Mỹ đoàn tụ mà không hề hay biết tân nhạc vn trước 75 ra sao ...
... Qua bên này nửa năm đầu (khoảng năm 1991) rất nhớ Saigon, phải đi học xe bus hàng ngày, ht có cái cassette nhỏ nghe nhạc để giết thời gian, một hôm nghe được một bài hát thực hay do Khánh Hà hát là bài Phù Du. Lênh đênh cành hoa trôi, ...
Quái lạ, các yếu tố của một ban nhạc tây phương đều có đó, trống, bass, acoustic guitar, synthesizer, etc, nhưng cái cách phối này dễ nghe và đi vào lòng người chi lạ, làm mình nhớ saigon da diết. Thế là ht biết Duy Cường từ dạo đó. Tới nay đã hơn 10 năm, âm thầm dõi theo từng CD mà anh cho ra lò, thật khó vì anh không có đóng đô ở một trung tâm nào hết, thế nên phải lật bìa sau các CD mệt nghỉ. Vậy mà còn sót nhiều, phải nhờ các anh chị đóng góp mới có cơ duyên lượm thêm vài CD... (Học Trò - 2001)
Nguồn: http://dactrung.net/nhac/noidung.aspx?BaiID=H3238B2erhjaXxFhbyqjxw%3d%3d
... Bên cạnh đó Duy Cường, tên tuổi lớn của hòa âm Việt Nam. Người theo sát nhạc sĩ Phạm Duy, đã bỏ công sức, thì giờ, tiền bạc để về tận quê nhà xa xôi, thu gọn những mẫu thanh nhạc đặc thù Việt Nam. Rồi bằng vào sự sáng tạo, thông minh, trí tuệ trên hệ thống điện toán hôm nay. Duy Cường đã cho chúng ta những âm thanh mới, ngọt ngào, tuôn tràn, cảm động và tha thiết chừng nào. Hòa âm của Duy Cường, là hòa âm có chiều dài học hỏi và nghiên cứu. Từ phối âm rất trang trọng do bởi tài năng, sự tưởng tượng của Duy Cường đã dẫn đưa chúng ta đi thật xa. Trở về, về thăm lại thời đại 200 năm trước của cụ Nguyễn Du. Hay nhất, mới nhất, sáng tạo nhất là những phối âm tuyệt hảo của 2 nền âm nhạc đông và tây phương quyện lẫn nhau. Khó có thể hòa hợp những thanh âm khác lạ, như tranh, gáo, kìm, bầu với những violin, harp, contre bass. Vậy mà qua minh họa Kiều. Duy Cường đã chứng minh tài nghệ phi thường của mình.
Châu Đình An - Báo Saigon Mới
... Khi nói đến Lệ Thu, nhiều người hay nghĩ đến Nước mắt Mùa thu, Mái tóc Dạ hương, Thuyền Viễn xứ, Hương xưa, vv. Đó là những bài hát gắn liền với tên tuổi này mà mọi người đều công nhận. Nhưng với cái tai nghe nhạc “bất thường” của tôi, tuyệt tác của Lệ Thu phải là Tiếc thu. Mà phải là Tiếc thu trong album Dấu vết Tình ta với giọng đọc lời dẫn của Khánh Ly do nhà văn Đào Trường Phúc viết nhé. Tiếc thu của Lệ Thu đẹp, sang trọng và buồn mênh mang. Mở đầu bằng những thanh âm piano ngưng đọng như đánh dấu thời khắc chuyển mùa. Xin hãy im lặng mà nghe thật kỹ từng câu, từng từ bài hát cho đến chữ “mênh mông” cuối cùng và chết lịm đi một hồi lâu sau đó. Xét về mặc ca từ thì chữ “mênh mông’ ở cuối bài này không dễ hát chút nào. Thường thường, để ca sĩ có thể ngân vang ở đoạn kết thúc, nhạc sĩ thường kết thúc bằng một từ có khẩu hình mở để ca sĩ tha hồ mà khoe giọng ngân vang. Nhưng ở đây chữ “mênh mông” mở ra rồi khép lại tức thì. Và hai từ đó đã được Lệ Thu đẩy ra, run rẫy một tí rồi om lại hay đến sững sờ. Chính việc xử lý hai từ này thể hiện đẳng cấp của một giọng hát. Cứ mỗi lần nghe đến đó, tôi vẫn còn nguyên cảm giác tê tái, chết lịm như ban đầu. Đôi khi một câu, một chữ trong bài hát có thể khiến cả bài được nâng lên một tầm cao mới mà trở thành tuyệt tác...
Rằng Lệ Thu tiếc thu đến thế là cùng.
Cũng nên kể đến cái tài hoa của Duy Cường, người hòa âm cho tuyệt tác này của Lệ Thu. Xưa nay, với giới nghệ sĩ Việt ở hải ngoại, tôi rất kết lối hòa âm của Duy Cường, luôn sang trọng và chừng mực, luôn cổ điển một chút với dàn nhạc dây và những cái vuốt đuôi sau mỗi câu hát thật điệu nghệ và bay bướm. Ở tác phẩm này Duy Cường còn thêm thắt âm thanh của tiếng chuông đồng hồ như ngầm đánh dấu thời khắc chuyển mùa thật là tinh tế. Tinh tế còn đến từ lời dẫn văn hoa của nhà văn Đào Trường Phúc qua giọng đọc lạnh của Khánh Ly rằng “Mùa thu không về nữa, nhưng anh biết không, mãi mãi trong tâm hồn em vẫn chỉ là sương khói của mùa thu năm ấy. Ôi mùa thu, cái mùa của những giấc mộng tàn phai, có còn giữ giùm ta đó chăng xác lá vàng khô trên những lối hẹn hò...”
Duong Lam Anh
Nguồn: http://duonglamanh.typepad.com/duong_lam_anh/2007/06/index.html